Kính thưa các Mẹ Việt Nam anh hùng,
Thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí Nguyễn Minh Triết, đồng chí Phan Văn Khải,
Thưa các đồng chí Lão thành cách mạng,
Thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí,
Trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước đang thi đua lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc, hôm nay, tôi rất vui mừng dự Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các vị khách, quí vị Đại biểu cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam qua các thời kỳ lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí, các vị đại biểu,
Cây cao su đã hiện diện ở Việt Nam từ những năm cuối của thế kỷ 19 (từ năm 1897). Qua hơn 100 năm với bao thăng trầm của lịch sử, từ những hạt giống ban đầu du nhập, đến nay nước ta đã hình thành những vùng chuyên canh cây cao su rộng lớn, trải dọc chiều dài của đất nước, từ miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, đến Duyên hải miền Trung và bước đầu phát triển ở vùng Tây Bắc. Cây cao su đã tồn tại, thích nghi và khẳng định được vị thế của mình trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước.
Chúng ta nhớ lại, cách đây hơn 80 năm, vào đêm 28 tháng 10 năm 1929, tại Làng 3, Đồn điền Cao su Phú Riềng, thuộc xã Tân Lợi (nay là xã Thuận Phú), huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập. Từ đó, phong trào đấu tranh của công nhân cao su ngày càng lớn mạnh đã sớm trở thành đội quân tiên phong của phong trào cách mạng; và ngày 28 tháng 10 hàng năm đã trở thành nét son, trở hình thành Ngày Truyền thống của ngành cao su Việt Nam.
Trong suốt hai cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, các vùng đồn điền cao su vừa là hậu phương cung cấp nhân tài, vật lực, là căn cứ nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng, vừa là trận tuyến của cuộc chiến chống quân thù xâm lược. Nhiều tấm gương yêu nước tỏa sáng, nhiều cán bộ công nhân cao su đã hy sinh cả máu xương của mình để góp phần tạo nên biết bao chiến công anh dũng, góp phần thiết thực góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, cao su đã trở thành một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn với tỉ suất lợi nhuận và hàm lượng nội địa cao, góp phần thiết thực vào công cuộc công nghiệp hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo và góp phần không nhỏ tạo thêm ngoại tệ cho đất nước. Nhiều địa phương chọn cao su là một trong những cây trồng chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.
Thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí,
37 năm qua, kể từ sau ngày thành lập vào tháng 4.1975, từ Tổng cục Cao su Việt Nam, tiền thân là Ban Cao su Nam bộ, đến Tổng Công ty Cao su Việt Nam, và hiện nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nhiều thế hệ cán bộ công nhân, viên chức ngành cao su đã đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực, nỗ lực phấn đấu bằng tất cả sức lực trí tuệ và cả mồ hôi, xương máu của mình, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Từ khoảng hơn 40.000 ha cao su già cỗi, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, hiện nay, ngoài 200 nghìn ha cao su đang đầu tư ở nước ngoài, Tập đoàn Cao su đang quản lý gần 300 nghìn ha trong số hơn 800.000 ha vườn cây cao su ở trong nước. Sản xuất kinh doanh của Tập đoàn không ngừng phát triển, liên tục vươn lên, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong tiến trình phát triển của đất nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng ngành cao su Việt Nam vẫn có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ với mức tăng diện tích 6% và sản lượng 10%/năm trong giai đoạn 2001-2010. Riêng về xuất khẩu, từ năm 2007 đến nay, kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam đã đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ với mức tăng trưởng hơn 30% một năm, đặc biệt năm 2011 đạt gần 3,3 tỷ đô la Mỹ xuất khẩu).
Có thể nói rằng, ngành Cao su đã thực sự trưởng thành, phát triển nhanh và bền vững nhiều năm qua, không chỉ góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế của đất nước, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Điều này cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước ta.
Thưa các đồng chí,
Những thành tựu, đóng góp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam qua các thế hệ đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác. Và ngày hôm nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lại được vinh dự nhận Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất mà Đảng và Nhà nước trao tặng, ghi nhận quá trình nỗ lực cố gắng, không ngừng vươn lên và những thành tựu to lớn mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức, người lao động của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà các đồng chí đã đạt được và tin tưởng rằng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và toàn ngành sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, chủ động, sáng tạo hơn nữa, phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được để cùng cả nước hoàn thành xuất sắc những mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.
Thưa các đồng chí,
Tiếp tục đường lối đổi mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực phấn đấu triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 để đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, sau hơn 25 năm đổi mới, mặc dù nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng[1], vượt qua tình trạng nước nghèo, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, nhưng vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2012 và những năm tới đây, kinh tế thế giới được dự báo tuy sẽ tiếp tục phục hồi, song vẫn còn những bất ổn khó lường sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh trong nước nói chung và của ngành cao su Việt Nam nói riêng, chúng ta cần nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vừa phải bảo đảm phát triển bền vững, vừa phải nhanh chóng rút ngắn khoảng cách, bắt kịp với trình độ phát triển chung của khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh đó, để góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước, tôi đề nghị toàn thể cán bộ công nhân viên chức và người lao động ngành Cao su nói chung và toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức và người lao động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nói riêng cần xác định rõ nhiệm vụ trong thời gian tới, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu, định hướng phát triển của Ngành trong năm 2012 và những năm tiếp theo, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một là, phải quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch 5 năm 2011-2015, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012... Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cần cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch hành động của mình nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra với cách làm và các giải pháp, phù hợp sáng tạo.
Hai là, thực hiện đúng Quy hoạch phát triển cao su của cả nước đến 2015 (dự kiến phát triển khoảng 1 triệu ha, trong đó diện tích cao su của Tập đoàn khoảng 500 nghìn ha gồm 300 nghìn ha trồng trong nước và 200 nghìn ha đầu tư ở nước ngoài); kết hợp có hiệu quả giữa định hướng phát triển sản xuất kinh doanh ở trong nước với việc phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư ở nước ngoài.
Ba là, Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2012 về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần xác định rõ lộ trình, bước đi của mình. Đặc biệt, triển khai ngay trong Kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đến 2015. Trong đó, (i) Chú trọng phát triển và định hướng quy mô diện tích vườn cây nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn, nhất là lao động là đồng bào dân tộc thiểu số với các hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp, hiệu quả; (ii) Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp cao su theo chiều sâu, đầu tư vào khoa học công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực chế biến cao su và các sản phẩm sử dụng nguyên liệu cao su thiên nhiên; (iii) Tích cực nghiên cứu triển khai chương trình phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ cao su và các các loại nguyên liệu gỗ khác; (iv) Phát triển các dự án hạ tầng cơ sở, các khu công nghiệp từ các diện tích đất cao su phải chuyển đổi quy hoạch theo đúng quy định để bảo đảm công ăn việc làm cho công nhân viên, lao động trong ngành.
Quá trình sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu Tập đoàn phải bảo đảm hiệu quả và đúng pháp luật.
Bốn là, hợp tác có hiệu quả với các đơn vị quân đội như các Quân khu, Bộ đội Biên phòng để phát triển trồng cao su, góp phần thực hiện an sinh xã hội và an ninh quốc phòng tại các vùng, khu vực biên giới của quốc gia.
Năm là, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước nâng cao vị thế và vai trò của cao su Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, vừa khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để nâng cao kim ngạch xuất khẩu góp phần hạn chế nhập siêu của nền kinh tế, nâng dần giá trị gia tăng trong nước đối với các sản phẩm cao su, xây dựng thương hiệu sản phẩm cao su tự nhiên của quốc gia.
Sáu là, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh và hội nhập. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm.
Xây dựng Đảng bộ và các đơn vị của Tập đoàng vững mạnh.
Thưa các đồng chí,
Ngày vui hôm nay là dịp để các thế hệ cán bộ làm công tác trong ngành Cao su ôn lại và tự hào với chặng đường vẻ vang 83 năm truyền thống tốt đẹp của mình, đồng thời ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mỗi cán bộ công nhân viên của Tập đoàn Cao su, cũng như tập thể người lao động của ngành Cao su trong giai đoạn tới. Tôi tin tưởng rằng với truyền thống “Phú Riềng đỏ” rất đáng tự hào của mình, các đồng chí sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, vững bước tiến lên, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhân dịp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đón nhận Huân chương Sao Vàng, một lần nữa, thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi lời thăm hỏi và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ, công nhân viên chức và người lao động Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nói riêng và toàn ngành Cao su nói chung qua các thời kỳ. Chúc các đồng chí tiếp tục phát huy những thành tích tốt đẹp đã đạt được, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Xin chúc toàn thể các đồng chí, các vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.
Xin trân trọng cám ơn./.
[1] Nước ta đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, kém phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình. 10 năm qua, tăng trưởng bình quân 7%/năm. Năm 2011 GDP bình quân đầu người đạt 1.450 USD; nước ta đạt mức kỷ lục về xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch trên 200 tỷ USD, trong đó xuất khẩu cao su của Việt Nam đứng trong nhóm 5 toàn cầu, với kim ngạch 3,3 tỷ USD. Hiện có hơn 13.500 dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn đăng ký gần 200 tỷ USD. Việt Nam có quan hệ ngoại giao đối với hầu hết các nước thành viên Liên Hợp Quốc và đóng vai trò ngày càng lớn trên nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khối ASEAN. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ MDG về giảm đói nghèo cho năm 2015 sớm trước 10 năm.